“Bỏ túi” những bộ phận dễ gây cháy nổ khi xảy ra va chạm
Nguyên nhân vụ cháy nổ đến từ đâu và làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng cháy nổ xảy ra khi va chạm?
Nguyên nhân nguồn cháy nổ
Một vụ cháy nổ xảy ra thường có 2 điều kiện bắt buộc là nhiên liệu cháy và chất kích nổ. Xăng, dầu, các dung dịch theo xe và tia lửa điện (do chập điện, tĩnh điện, ma sát tạo ra…) sẽ là điều kiện cần để châm ngòi cháy, dưới áp suất từ nhiệt độ, sẽ bắt đầu phát nổ.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ xe khi xảy ra va chạm
Còn điều kiện đủ chính là nguồn oxy có trong không khí, tức là một bộ phận nào đó trên ô tô hoặc xe máy đang bị hở, rò rỉ. Lúc này, nó sẽ tiếp xúc với không khí kết hợp với tia lửa, nguồn nhiên liệu, rồi cấu thành nên một vụ cháy nổ đầy đủ.
Một số bộ phận sau thời gian vận hành sẽ hao mòn, gây ra tình trạng rò rỉ xăng:
- Ống dẫn xăng chất lượng kém, kẹp khóa kém, gây rò rỉ xăng.
- Bình xăng chất lượng kém, hở thủng, gioăng, van phao chế hòa khí hở gây rò xăng.
- Chuột cắn ống dẫn xăng.
Ống dẫn xăng bị đứt do chuột cắn có thể gây cháy xe
- Xăng rớt ra ngoài (vì một số lý do nào đó) và bụi bẩn giữ xăng thành một lớp ướt.
- Van kim của chế hòa khí rò, gây tràn xăng vào buồng đốt. Thông thường. van này sẽ được phao xăng nâng lên và đóng kín khi xe không chạy.
- Trong xăng có chất lạ gây ăn mòn, làm thủng bình xăng, ống dẫn, gioăng đêm, hoặc tăng cao bất thường khả năng bốc hơi, làm hơi xăng thoát ra không bình thường.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nên tia lửa điện:
- Cách điện của dây cao áp, bô-bin kém, bu-gi lỏng chụp gây tình trạng phóng điện (hệ thống cao áp xe máy cao đến hàng ngàn volt, có thể dễ dàng phóng điện nếu cách điện kém).
- Các thiết bị có đầu cắm, nối điện bị lỏng. Các thiết bị này sẽ đánh lửa khi dòng điện chạy qua, đặc biệt là những dây dẫn có dòng điện lớn như dây motor đề, đèn pha, đầu cực ắc - quy...
- Dây điện bị chuột cắn, rạn nứt cách điện.
- Các ống thở của bình ắc - quy bị bít kín, gây tình trạng nổ.
- Xuất hiện tàn lửa từ ống xả hoặc các vật dễ cháy mắc vào các bộ phận có nhiệt độ cao của động cơ gây cháy.
- Các vật liệu phi kim bị cọ sát, tạo ra tĩnh điện và có thể phóng tia lửa điện, đặc biệt là trong thời tiết hanh khô. Do đó, các xe bồn chở xăng thường có dây xích sắt chạm xuống mặt đường để khử tĩnh điện.
- Người dùng độ thêm thiết bị điện, nâng công suất động cơ mà không để ý tới các thiết bị bảo vệ mạch.
- Va chạm mạnh dẫn tới tình trạng ma sát, tạo ra tia lửa.
Làm thế nào để phòng chống cháy nổ khi xảy ra va chạm?
Làm thế nào để phòng chống cháy nổ khi xảy ra va chạm?
Khi di chuyển trên đường, ngay cả những chiếc xe hiện đại đời mới, sở hữu công nghệ tinh vi cũng khó có thể phán đoán sự cố bất ngờ xảy ra. Cách duy nhất là mỗi người nên tạo cho mình thói quen kiểm tra xe bằng mắt theo định kì 3 ngày hoặc 7 ngày 1 lần.
Lưu ý, người dùng nên đưa xe đi kiểm tra nếu thấy các dấu hiệu bất thường sau:
- Vệt nước dưới gầm xe: tình trạng này xuất hiện là do máy lạnh. Tuy nhiên, nếu thấy vệt nước loan nhiều màu thì rất có thể nhớt, xăng, dầu đã bị rò ra ngoài.
- Các thiết bị điện chập chờn: đèn taplo, đèn xe, còi xe, các bộ phận phát sáng có độ sáng mạnh, yếu thất thường.
- Khoang máy có dấu chân chuột: chứng tỏ chuột đã xâm nhập vào hệ thống máy. Người dùng nên rửa sạch, xịt các hóa chất để đuổi chuột, tránh để chúng cắn dây.
- Bình điện, hệ thống âm thanh phát ra tiếng xẹt xẹt: có thể các dây nối, đầu cắm bị hở rồi chạm vào nhau, tạo ra tiếng kêu của tia lửa điện.
Bên cạnh việc thay thế, nâng cấp các thiết bị (loa, đầu giải trí, hệ thống chiếu sáng), người dùng nên tiến hành kiểm tra các đầu nối, thay thế lại đầy đủ các thiết bị bảo vệ mạch, cầu chì để tránh tình trạng quá tải.
Đặc biệt, tài xế không nên để các loại bình nén như xịt khoáng, xịt bọt chữa cháy, hộp quẹt, nước hoa, lọ thủy tinh,… khi đỗ xe dưới thời tiết nắng nóng. Những vật dụng này có thể gây ra tình trạng bốc hỏa.