Điểm qua những biện pháp tránh ngủ gật sau tay lái cho tài xế

09:30 | 28/10/2019

Hiện nay, những vụ tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật xảy ra ngày càng phổ biến. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cũng như dấu hiệu và giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?

Trong mỗi chuyến hành trình dài, giấc ngủ và sự tỉnh táo chiếm một phần rất quan trọng. Tuy nhiên, điều này đang không được quan tâm đúng mực, gây nên những hệ lụy rất lớn.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc ngủ gật khi đang lái xe chiếm tới 30% tổng các vụ giao thông tại Việt Nam.

Tại sự kiện Driver Care Day 2019, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia chia sẻ: “Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe ô tô chạy tuyến đường dài không được lái xe quá 10 giờ mỗi ngày và liên tục 4 giờ; sau mỗi 2,5 tới 3 tiếng, tài xế phải nghỉ từ 30 - 45 phút mới tiếp tục cầm lái”.

Theo nghiên cứu từ Hiệp hội An toàn giao thông AAA của Hoa Kỳ, việc tài xế lái xe ngủ ít hơn 5 tiếng một ngày cũng nguy hiểm không khác gì uống rượu khi lái xe.

Theo Hội Đồng An Toàn Quốc Gia Mỹ (National Safety Council), khoảng 13% tài xế thừa nhận tình trạng ngủ gật sau tay lái ít nhất một lần mỗi tháng. Trong đó, 4% đã gây tai nạn giao thông do ngủ gật. Cụ thể, các khung giờ dễ gây ngủ nhất là khoảng từ 2h đến 6h sáng và 14h đến 16h chiều.

Điểm qua những biện pháp tránh ngủ gật sau tay lái cho tài xế 1

Điểm qua những biện pháp tránh ngủ gật sau tay lái cho tài xế

Hậu quả của việc tái xế ngủ gật sau tay lái là rất lớn. Có thể kể đến vụ tai nạn vào 21/1/2019 khi tài xế xe tải ngủ gật đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang, khiến 8 người tử vong tại Hải Dương. Hay vụ xe khách 16 chỗ trên đường đi rước dâu thì va chạm với xe container khiến 13 người tử vong tại Quảng Nam vào lúc 2h30 sáng ngày 30/7/2019.

Có thể nói, nguyên nhân chính gây nên tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ này chính là đến từ đặc thù và tính chất công việc, phần lớn tài xế không có lái xe phụ luân phiên. Do đó, nhiều lái xe tải và container đã phải dừng xe và ngủ trên đường cao tốc trong quá trình điều khiển xe đường dài.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ mà các tài xế cần chú ý bao gồm đi lệch làn đường, đi quá gần xe khác, khó giữ đầu thẳng, mí mặt nặng trĩu, cảnh vật trước mặt mờ và nhòe, dụi mắt và ngáp thường xuyên.

Để tránh xảy ra tai nạn do ngủ gật, người lái xe nên chú ý ngủ đủ giấc trước hành trình dài, dừng xe và chợp mắt khoảng 15 phút khi buồn ngủ,. Ngoài ra, người lái có thể đi cùng một tài xế phụ để thay phiên nhau. Lưu ý, tài xế nên ghé trạm dừng chân và vận động nhẹ nhàng mỗi 2h.

Bác sỹ Phí Thị Thái Hà - bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương chia sẻ: "Vốn dĩ là một chất kích thích, cà phê là thức uống rất tốt nếu sử dụng ở mức độ vừa phải, đúng lúc, đúng thời điểm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nhiều, vì sau giai đoạn kích thích sẽ đến giai đoạn ức chế, không tốt cho sức khỏe. Để thay thế cà phê, các bác tài có thể sử dụng hoa quả và nước để luôn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể".

Nguồn: tienphong.vn

Tin rao theo hãng

Tin đã lưu (0)
Mở gian hàng miễn phí trên Banotore