Tổng hợp bí quyết chăm sóc ô tô và cách lái xe an toàn vào mùa mưa
Nước ta đang đối mặt với mùa mưa bão và ngập lụt trên diện rộng. Tình hình thời tiết như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển và khả năng vận hành của ô tô. Do đó, Banotore.com xin chia sẻ với mọi người bí quyết bảo dưỡng ô tô cũng như cách lái xe an toàn trong mùa mưa lũ.
I. Những bộ phận cần kiểm tra và bảo dưỡng trong mùa mưa
1. Phanh xe
Phanh xe là bộ phận dễ bị trượt và không còn ép sát nhất khi đi vào vùng ngập nước. Để phòng tránh nguy hiểm khi phanh mất ổn định, bạn nên đạp chân phanh vài lần trước khi tiếp tục cho xe vận hành. Việc này sẽ giúp đĩa/trống phanh cùng má phanh hoạt động bình thường. Tuy vậy, bạn vẫn nên cho xe đi kiểm tra sau khi “lội nước”.
2. Động cơ
Kiểm tra động cơ ô tô ngay sau khi thoát khỏi vùng ngập
Khi điều khiển xe qua vùng ngập, động cơ sẽ phát ra những âm thanh hoặc dấu hiệu bất thường. Nặng hơn, động cơ có thể đột ngột “lên tiếng” và tự động tắt. Lúc này, bạn cần dừng xe hoặc nhờ người giúp đẩy xe đến chỗ khô ráo và kiểm tra lọc gió có bị ướt không, kiểm tra dầu có bị thấm nước bằng que thăm dầu. Trường hợp nước tràn vào buồng máy thì phải đem xe ra tiệm để sửa chữa.
3. Bộ phận điện và điện tử
Những mẫu ô tô hiện đại ngày nay tuy hầu hết đều trang bị khả năng chống điện cho các chi tiết dẫn điện, thế những dây điện vẫn có nguy cơ thấm nước khi xe đi qua vùng ngập, dẫn đến đoản mạch. Do đó, chủ xe nên kiểm tra kỹ các bộ phận như cầu chì, hộp điều khiển cùng các hệ thống đèn. Khi thấy dây diện bị ẩm hoặc có vấn đề, bạn hãy ngắt điện khỏi ắc-quy và nhờ thợ xử lý.
4. Thảm lót sàn
Mực nước lên cao cũng đủ để nước tràn vào xe và ngấm vào thảm. Không gian nội thất lúc này sẽ bị ẩm mốc và có mùi rất khó chịu. Hơn nữa, túi khí đặt dưới ghế cũng có khả năng khiến hơi nước lọt vào và gây ẩm. Thế nên khi về nhà, bạn hãy nhanh chóng lấy thảm để chân ra và giặt sạch, đồng thời cọ rửa và sấy khô khoang cabin để loại bỏ mùi ẩm mốc.
5. Khu vực để lốp dự phòng
Vị trí để lốp dự phòng thường bị lãng quên kể cả vào mùa mưa lẫn mùa nắng. Khi kiểm tra mà phát hiện có nước ở khu vực này, bạn cần sấy khô ngay lập tức. Nếu để lâu thì các bộ phận kim loại trên lốp cũng như dụng khác sẽ bị rỉ và dần dần sẽ không dùng được nữa.
6. Thường xuyên rửa xe ô tô
Sau khi “dầm mưa”, nhiều người không vệ sinh xe sạch sẽ vì cho rằng nước mưa có thể tự rửa sạch bùn đất và bụi bẩn. Tuy nhiên, với bầu không khí ô nhiễm như hiện nay thì nước mưa chứa nhiều axit gây bào mòn các chi tiết như sơn xe và ô-xi hóa, làm hoen gỉ ốp gương cùng các thanh nẹp ở ngoại thất. Do đó, bạn cần rửa sạch xe khi về đến nhà, đặc biệt là khi đã đi qua vùng ngập nước.
Trường hợp không thể rửa xe kĩ lưỡng, bạn có thể rửa sơ xe nhưng cần chú ý kĩ các bộ phận như lưới tản nhiệt, cản xe, hốc gió và cụm đèn. Đây là những chi tiết hay bị nước bẩn và bùn đất bám vào.
II. Cách lái xe an toàn khi đi dưới trời mưa
1. Chạy ở tâm đường
Đa số các con đường đều có phần trung tâm hơi nhô lên, nghĩa là nước mưa sẽ bị đẩy về hai bên. Do đó, bạn nên điều khiển ô tô giữa tâm đường để tránh được những vũng nước đọng lại.
Nguyên tắc bạn cần nhớ khi lái ô tô trên đường ngập nước là dùng số 1 hoặc 2 (số 1 hoặc L đối với xe số tự động), di chuyển với tốc độ vừa phải để tránh tạo sóng lớn, hơi nhấn ga và thả côn để giữ ống xả sạch nước, cuối cùng là giữ chân ga ổn định cũng như dùng phanh để kiểm soát tốc độ.
2. Lái xe với tốc độ vừa phải
Trời mưa khiến đường sá trơn trượt và khó di chuyển hơn bình thường. Do đó, đi chậm là cách tốt nhất để giảm thiếu va chạm giữa bạn và xe khác. Ngoài ra, việc lái xe với tốc độ vừa phải cũng giúp bạn tránh bị mất lái hay trượt trên mặt đường.
Đừng nghĩ rằng mình có thể tự chủ trong mọi tình huống, đặc biệt là vào mùa mưa. Khi đó, ô tô chủ yếu tiếp xúc với mặt nước thay vì mặt đường. Tốc độ nước hình thành ở trước lốp xe sẽ nhanh hơn so với tốc độ xe rẽ nước ra, khiến xe bị nâng lên và làm hạn chế khả năng điều khiển ô tô của bạn.
3. Mở đèn để dễ quan sát
Việc bật đèn cốt hoặc đèn sương mù sẽ giúp bạn quan sát đường tốt hơn, đồng thời giúp các tài xế khác thấy rõ xe bạn. Lưu ý, không bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì chúng sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông.
4. Phanh sớm
Bạn nhớ phanh sớm và nhẹ hơn bình thường vì điều này giúp bạn tăng khoảng cách với xe phía trước cũng như báo hiệu cho người đi phía sau rằng bạn đang giảm tốc độ. Theo đó, bạn nên vào cua với vận tốc chậm hơn và nhớ bật đèn báo rẽ khi vào cua.
5. Giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước
Theo kinh nghiệm lái xe ô tô của những bác tài lâu năm, một chiếc xe cần khoảng cách gấp 3 lần bình thường mới có thể dừng hẳn. Nếu xe phía trước phanh bất ngờ, bạn có thể đâm vào họ trước khi kịp nhận thức điều gì đang diễn ra. Vì vậy, tuyệt đối không bám sát đuôi xe phía trước mà hãy giữ khoảng cách an toàn, nhất là khi đi dưới trời mưa.
6. Không cố nổ máy khi ô tô bị ngập nước
Xe hơi sau khi “lội nước” sẽ dễ gây hư hại các bộ phận trên xe, đặc biệt là động cơ, hệ thống điện và nội thất. Vì thế, khi xe bị ngập sâu, bạn hãy khởi động thử một lần xem chúng có nổ máy hay không. Nếu không được thì nên dừng lại, nhờ người giúp đỡ và gọi cứu hộ vì càng cố nổ máy, ô tô càng bị hư hại nặng thêm.
7. Không dùng hệ thống điều khiển hành trình
Chức năng điều khiển hành trình luôn hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết, trừ trời mưa. Vì lúc này, nó sẽ khiến tài xế bị mất kiểm soát. Khi bạn đang điều khiển để đề phòng trượt nước thì tính năng này sẽ tăng tốc vì cho rằng xe đang chạy chậm, gây nguy hiểm như lúc bạn đạp chân ga khiến xe phóng về phía trước. Thế nên bạn cần tránh sử dụng hệ thống điều khiển hành trình để tránh những rắc rối tiềm tàng.
Xem thêm:
>>> Làm thế nào để kính xe hơi không bị mờ khi lưu thông vào mùa mưa lũ?
>>> Tổng hợp mẹo lái xe an toàn trong thời tiết mưa giông sấm sét