Những điều cần lưu ý khi mua ô tô cũ chơi Tết
Nhu cầu sở hữu ô tô cũ của người dân thường tăng mạnh vào dịp cận Tết. Nhằm đảm bảo việc mua xe tương xứng với số tiền bỏ ra cũng như biết được độ tin cậy của người bán, bạn cần tiến hành các bước kiểm tra mà Banotore.com chia sẻ dưới đây trước khi bắt đầu giao dịch.
1. Tính toán khả năng tài chính
Bạn cần xem xét khả năng tài chính trước khi quyết định xuống tiền mua ô tô cũ
Đầu tiên, bạn cần xác định và tính toán xem mình cần chi bao nhiêu tiền để mua một chiếc ô tô cũ. Các khoản phải bỏ ra bao gồm cả phí đăng ký, bảo hiểm và bảo dưỡng định kỳ. Dù chỉ là xe cũ nhưng bạn nên cân nhắc để tránh "vung tay quá trán" rồi phải bán lại vì không đủ khả năng nuôi xe.
2. Tìm hiểu thông tin về ô tô cũ
Tiếp theo, bạn nên trang bị kiến thức cơ bản về các dòng ô tô trước khi quyết định mua xe. Hãy kiểm tra chiếc ô tô bạn muốn sở hữu đã qua tay bao nhiêu người, có đủ giấy tờ xe không, đồng thời xem trên bảng đồng hồ công tơ mét số km xe đã đi. Lưu ý đối chiếu với cabin xe, điều này sẽ giúp bạn đánh giá được tổng quan tình trạng xe. Thông thường, mẫu xe hơi gia đình đã lăn bánh từ 800-1.000 km/tháng là ít, trên dưới 2.000 km/tháng thì nằm ở mức trung bình.
3. Kiểm tra ngoại thất xe
Diện mạo của ô tô thể hiện rất rõ quá trình sử dụng của chủ xe. Do đó, bạn cần quan sát tổng thể cả chiếc xe gồm: lớp sơn, cửa xe, kính chắn gió, kính chiếu hậu, đèn xe, mâm lốp… Khi thấy lốp xe quá mòn hoặc có lốp nào khác nhãn hiệu với những chiếc còn lại, bạn nhớ báo ngay cho người bán để mặc cả, vì chi phí thay lốp xe khá đắt.
Tiếp theo, bạn kiểm tra thân xe xem có dấu vết va chạm không; ốc, vít có bị mất không; vị trí ống xả có bám vệt đen hoặc dầu hay không. Trường hợp thân xe xuất hiện sự rỉ sét thì tuyệt đối không mua.
Muốn xác định xe hơi có xảy ra va chạm chưa, bạn nên quan sát những điểm ghép nối ở phần đầu, đuôi, mép cửa, hốc bánh và thân xe, nếu có khe hở nghĩa là xe đã bị gò hàn. Bên cạnh đó, bạn hãy chú ý đến lớp sơn xe. Khi xe được sơn lại sẽ có vết nứt, bong tróc và dễ bị lem màu tại các điểm ghép nối.
4. Kiểm tra gầm xe
Đối với gầm xe, người mua nên dùng đèn pin để đảm bảo quá trình kiểm tra chính xác, nhớ để ý các vết rỉ sét dưới gầm xe, sự cong vênh cho gặp tai nạn hoặc vết hàn do sửa chữa… Ngoài ra, bạn cần theo dõi vị trí trống phanh và calip phanh có chất lỏng thấm ra không, sàn xe có dầu hoặc chất lỏng nhỏ xuống không.
5. Kiểm tra chi tiết dưới nắp ca-pô
Ngoài các chi tiết trên, những bộ phận dưới nắp ca-pô chiếm vị trí rất quan trọng trong quá trình vận hành ô tô, gồm động cơ, nước làm mát, ắc-quy, két nước, ống dẫn khí nạp…
Các chốt chính và chốt phụ của nắp ca-pô phải hoạt động thường xuyên do đóng/mở nhiều lần, vì vậy dễ bị lỏng, khó mở lên hay thậm chí hư hỏng bởi thao tác sai. Bạn nên mở nắp ca-pô kiểm tra cho xe đỗ ở vị trí bằng phẳng rồi kéo phanh tay, sau đó xác định vị trí lắp chốt chính trong khoang hành khách phía ghế lái. Khi thử nhiều lần mà chúng vẫn trơn tru thì chứng tỏ các chốt hoạt động bình thường.
6. Kiểm tra nội thất xe
Theo kinh nghiệm xe, bạn nên kiểm tra một loạt các bộ phận như: ghế ngồi, bảng táp-lô, vô-lăng, lẫy chuyển số, máy điều hòa… Sau khi nhìn tổng quan, bạn hãy mở các thiết bị gồm kính gạt, gương, radio, kính chắn, điều hòa nhằm chắc chắn chúng vẫn hoạt động tốt. Theo đó, bạn nhớ chú ý chân phanh, vì chân phanh quá cứng hay phải đạp “sát sàn” chứng tỏ phanh đang có vấn đề.
Vừa bước vào khoang xe mà nghe thấy mùi mốc, chua và có vệt nước thì bạn hãy tìm đến mẫu ô tô khác. Trường hợp xe sử dụng nhiều, dây đai an toàn sẽ ngả màu, nút bấm điều khiển bị bong tróc, đường chỉ khâu, da ghế sẽ đen, bề mặt da cũng không còn độ đàn hồi tốt.
7. Kiểm tra động cơ xe
Kiểm tra động cơ là bước quan trọng nhất vì chúng sẽ khiến bạn hao tốn nhiều chi phí nếu hư hỏng. Với các mẫu xe hơi bị thủy kích, phải rã máy để sửa chữa, có thể thấy ốc vít sẽ trầy xước và khe vỏ máy còn dính keo sót lại. Chủ yếu là do thợ sửa chữa dùng keo thủ công, làm mất nét thẩm mỹ ban đầu khi mới xuất xưởng.
Cách đơn giản để kiểm tra dầu động cơ là lau que thăm dầu lên miếng vải khô. Dầu động cơ có màu vàng cho thấy dầu còn mới, nếu chuyển sang màu đen nghĩa là độ tinh dầu giảm nhiều do bụi bẩn hoặc bị bào mòn bởi các chi tiết sắp hư hỏng. Đặc biệt, dầu có màu nâu nghĩa là bộ lọc dầu hay bộ phận bất kì bên trong có dấu hiệu gỉ sét, trục trặc và cần được thay mới.
8. Khởi động xe
Khi bật chìa khóa khởi động xe, đèn cảnh báo sẽ bật sáng khoảng vài giây. Lúc này, bạn cần quan sát xem chúng hoạt động tốt không. Nếu đèn không sáng, sáng nhưng không tắt, đèn túi khí nhấp nháy… thì có nguy cơ chúng bị hư hỏng.
Với xe hơi số sàn, bạn cần lưu ý xe có bị giật, rung khi nhả chân côn không. Nếu là xe tự động, hãy lắng nghe tiếng động lạ khi chuyển chế độ lái. Bạn cũng nên xoay vô lăng vài vòng vì xe ít sử dụng sẽ có vô lăng mới, không có độ rơ. Khi xe đã khởi động, gạt về số N và nhấn ga mà thấy động cơ rung lắc mạnh thì có thể cao su chân máy đã bị vỡ.
9. Lái thử ô tô
Bước kiểm tra cuối cùng là lái thử chiếc ô tô bạn định mua, có hai giai đoạn bạn cần chú ý:
- Khi xe đứng yên: Ở vị trí ghế lái, bạn có cảm giác thoải mái và dễ chỉnh hướng khi ngồi hay không, mở dàn lạnh xem hướng gió có trải đều hay xuất hiện dấu hiệu bất thường, mở hệ thống âm thanh và giải trí, vặn cửa kính lên xuống xem chúng có hoạt động ổn định không.
- Khi xe di chuyển: Người lái hãy quan sát tầm nhìn kính chắn gió và góc chữ A khi vào cua, các nút điều khiển có dễ điều chỉnh hay không, dùng phanh tay và lẫy chuyển số kết hợp với việc chuyển sang nhiều chế độ lái khác nhau.
Hơn nữa, bạn cũng cần cho xe hơi tăng và giảm tốc nhằm kiểm tra chân ga, phối hợp với phanh ABS để chắc chắn xe hoạt động ổn định. Khi xe đi vào khu vực địa hình, bạn hãy cảm nhận tính linh hoạt của hệ thống treo, giảm xóc và độ thích ứng, đảm bảo xe vận hành trong trạng thái tốt nhất.
Vào thời điểm cận Tết, lợi thế của việc mua ô tô cũ là có xe dùng ngay. Tuy nhiên, chúng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro do người bán lợi dụng tâm lý nôn nóng của khách hàng nhằm tung ra những mẫu xe hư hỏng hoặc đã lái taxi. Vì lẽ đó, người tiêu dùng nên tìm hiểu và kiểm tra kỹ lưỡng để sở hữu được chiếc xe hơi vừa rẻ vừa chất lượng.
Xem thêm:
⇒ Kinh nghiệm: 400 triệu mua xe cũ gì để không phải tối ngày sửa chữa?
⇒ Những ưu điểm khiến bạn nên chọn xe cũ khi mua ô tô lần đầu