Các hãng ô tô Nhật Bản hợp sức phát triển công nghệ tự lái
Liên doanh phát triển công nghệ tự lái Nhật Bản Monet Technologies vừa có sự góp mặt thêm của 5 hãng ô tô nhằm thúc đẩy kế hoạch này tiến nhanh hơn trong tương lai.
Theo tin tức ô tô, 5 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bao gồm Mazda Motor, Suzuki Motor, Subaru, Daihatsu Motor và Isuzu Motors đã gia nhập Monet Technologies - liên doanh được thành lập bởi Toyota và Softbank vào năm 2018 trong phát triển công nghệ tự lái, áp dụng trên các mẫu ô tô tại Nhật Bản.
Các hãng ô tô Nhật Bản tham gia Monet phát triển công nghệ tự lái
Hiện tại, SoftBank nắm giữ 40,2% cổ phần của Monet Technologies, trong khi Toyota giữ 39,8%. Tổng giá trị của Monet đang được định giá 26,6 triệu USD.
Trước đó, vào hồi tháng 3, liên doanh này đã có sự tham gia của Honda Motor và Hino Motors với khoản đầu tư hơn 200 triệu yên (1,86 triệu USD) từ mỗi hãng. Với khoản đầu tư này, Honda Motor và Hino Motors đều đang nắm giữ 10% cổ phần của Monet. 5 hãng xe mới gia nhập sẽ chiếm tỷ lệ chỉ vài phần trăm cổ phần tại Monet.
Mặc dù đối đầu quyết liệt trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô truyền thống, song việc 5 hãng xe Nhật bản cùng hợp sức với Monet phát triển công nghệ tự lái cũng không có gì là lạ bởi sự kết hợp này nhằm giúp củng cố vị thế của liên doanh Monet trong dẫn đầu lĩnh vực dịch vụ di chuyển của Nhật Bản và đạt kỳ vọng vươn tầm quốc tế.
Hiện tại, Monet vẫn đang kêu gọi thêm các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cùng tham gia nỗ lực vào mục đích chung này. Bên cạnh đó, Monet cho biết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng có thể tham gia liên doanh, để tạo lợi thế cạnh tranh với các công ty công nghệ thông tin.
Theo kế hoạch, Monet lên sẽ triển khai các dịch vụ thử nghiệm tại Nhật Bản đầu tiên, sau đó mới mở rộng phạm vi tới các quốc gia châu Á và toàn thế giới.
Ô tô kết nối, tự hành, chia sẻ và xe chạy điện (gọi tắt là CASE) đang là xu hướng phát triển và định hình lại ngành công nghiệp ô tô. Công nghệ này đòi hỏi những tiêu chí và tiêu chuẩn cao cùng kho dữ liệu khổng lồ cần thu thập và phân tích. Do đó, sự liên minh hợp tác của nhiều hãng xe cùng phát triển là điều cần thiết để công nghệ này sớm được ứng dụng trong vận hành ô tô. Tất nhiên, việc hợp tác này cũng sẽ đem lại lợi ích cắt giảm nguồn chi phí và mở rộng thị trường các loại xe CASE.
Được biết, một liên doanh phát triển các công nghệ kết cấu cơ bản cho xe điện cũng đã được thành lập vào năm 2017 bởi Toyota, Mazda và nhà sản xuất linh kiện ô tô Denso. Kể từ đó đến nay, liên doanh này cũng đã thu hút sự tham gia của nhiều hãng xe tên tuổi như Subaru, Daihatsu, Suzuki và Hino.
Xem thêm: