Những mức phạt khi bật đèn pha trong khu dân cư, đô thị

16:20 | 30/11/2018

Bật đèn chiếu xa khi di chuyển trong khu đô thị, khu đông dân cư là hành vi bị cấm. Nếu vi phạm, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng.

Theo pháp luật xe, xe cơ giới muốn đáp ứng đủ điều kiện tham gia giao thông phải có đèn tín hiệu, đèn báo hãm, đèn goi biển số, đèn chiếu gần và xa. Đây là quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 53 trong Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, người điều khiển xe cũng phải sử dụng đèn chiếu sáng xa, gần đúng quy định và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, không được dùng tùy tiện.

Trong đó, đèn chiếu gần (đèn cốt) là đèn có góc chiếu sáng thấp giúp người lái quan sát đường ở phạm vi gần, được sử dụng trong nội thành hoặc khu dân cư và khi lái xe với tốc độ chậm. Khoảng chiếu sáng và độ sáng của loại đèn này được tính toán kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến xe đi trước hoặc đối diện.

Đèn chiếu xa (đèn pha) là đèn có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa và có tầm nhìn cao hơn, giúp tài xế nhìn thấy biển báo và chướng ngại vật từ xa. Trên thực tế, loại đèn này chỉ được sử dụng khi lưu thông trên cao tốc hoặc đi đường dài. Song, nhiều người lại bật đèn pha khi di chuyển trong đô thị, khu dân cư gây lóa mắt cho những xe đi ngược chiều và dẫn đến nguy hiểm.

Người lái ô tô bật đèn pha trong khu dân cư sẽ bị phạt từ 600-800 nghìn đồng 1

Người lái ô tô bật đèn pha trong khu dân cư sẽ bị phạt từ 600-800 nghìn đồng

Quy định tại khoản 12, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nêu rõ, bật đèn chiếu xa trong khu đô thị và dân cư là hành vi bị cấm, ngoại trừ xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật Giao thông vận tải. Vì vậy, người điều khiển phương tiện khi di chuyển trong khu dân cư phải chỉnh chế độ chiếu gần để không làm ảnh hưởng tầm nhìn, đồng thời đảm bảo an toàn cho các xe khác.

Căn cứ vào Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người lái ô tô vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng (điểm b, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 46). Trường hợp gây tai nạn sẽ bị tịch thu Giấy phép lái xe (GPLX) theo quy định ở điểm c, Khoản 12, Điều 5, Nghị định 46.

Người điều khiển xe gắn máy, mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, mô tô bật đèn pha khi lưu thông sẽ bị phạt từ 80 - 100 nghìn đồng, quy định tại điểm e, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 46.

Cuối cùng, người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng khi vi phạm sẽ bị phạt từ 200 - 400 nghìn đồng (điểm d, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 46). Nếu người lái gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dụng) từ 2 đến 4 tháng, quy định tại điểm b Khoản 9 Điều 7 Nghị định 46 của Chính phủ.

Bạn có thể quan tâm:

• "Độ" đèn chiếu sáng cho ô tô sẽ bị từ chối đăng kiểm

• Tài xế chở quá số người quy định sẽ bị phạt đến 600.000 đồng

• Mở cửa xe gây tai nạn sẽ bị tước bằng lái đến 4 tháng

Nguồn: Banotore.com

Tin rao theo hãng

Tin đã lưu (0)
Mở gian hàng miễn phí trên Banotore